Góc Review • Voice of Silence • Thanh âm của thinh lặng (2020) – Đánh thức cả lòng người

Góc Review • Voice of Silence • Thanh âm của thinh lặng (2020) – Đánh thức cả lòng người <Review chi tiết + Phân tích>

Trong bài viết có spoil một số chi tiết, mọi người không muốn bị spoil thì hãy đọc phần Giới thiệu và Tổng kết phim nhé! Cảm ơn vì đã đọc nè~

• Click vào đây để xem các bộ phim đã được review

Biến cố bất ngờ

// GIỚI THIỆU PHIM //

Tình tiết chậm rãi nhưng đủ “đô” để níu kéo người xem, thước phim thiên nhiên đẹp đẽ đan xen với những chi tiết trần trụi của hiện thực, Voice of Silence (Thanh âm của thinh lặng) không khỏi khiến tôi liên tưởng đến Burning của Lee Chang Dong, một tuyệt phẩm khác cũng do Ảnh đế Yoo Ah In đóng chính. Song, nếu Burning là tổ hợp của những bí ẩn không lời giải thích, Voice of Silence lại thẳng thắn bày tỏ quan điểm trước câu hỏi về hai chữ thiện – ác, đưa ra lựa chọn của mình giữa kỳ vọng và thực tiễn.

Như đã “hint” trong tiêu đề, Voice of Silence xoay quanh nhân vật chính Tae In, một cậu trai bị câm, chỉ có thể giao tiếp bằng hành động. Công việc chính của cậu và Chang Bok là xử lý hiện trường cho các tổ chức tội phạm; cuộc sống quanh đi quẩn lại những chuỗi “lo liệu” cho người chết, những tháng ngày ấp ủ giấc mơ được ngồi trong chiếc xe sang như ông trùm xã hội đen đích thực. Cho đến một ngày, bộ đôi nhận được một giao kèo dở khóc dở người: “chăm sóc” người sống, cụ thể là “chăm sóc” cho một cô bé để rồi biến cố xảy ra, tạo thành những vang động khiến lòng người xáo trộn.

Tiếng vang đầu tiên

// Phân tích chi tiết // Cảnh báo spoil

[Cảnh báo spoil] Mở đầu bằng khung cảnh đậm sắc xanh – nâu, Voice of Silence tạo cho khán giả một cảm giác vừa đủ xa vừa đủ gần. Nói đủ gần vì tông màu được sử dụng không quá lạnh lẽo như sắc xanh thường thấy trong các bộ phim về chủ đề tội phạm, giúp khán giả không vội đánh giá rằng những thứ trước mắt quá tàn ác, ghê bạo; nói đủ xa vì tuy tông màu chủ đạo của Voice of Silence đúng là có chút ấm áp hơn bình thường, đây vẫn là một sắc xanh lạnh (mà cụ thể hơn là xanh lá), giúp khán giả kịp thời được cảnh tỉnh rằng những nhân vật trong phim vẫn cần được đánh giá, suy xét cẩn thận.

Bàn về nhân vật trong phim, tôi đánh giá rất cao cách xây dựng hình tượng, tính cách của Voice of Silence. Có cảm giác sự mâu thuẫn trong nội tâm nhân vật đến rất tự nhiên, chính các tình tiết trong phim, giọng nói, biểu cảm đã thể hiện những lớp cảm xúc phức tạp của con người, chẳng phải do đạo diễn hay biên kịch cố gượng xây dựng.

Ba nhân vật chính trong phim: Chang Bok, Tae In và Cho Hee, mỗi người đều mang trong mình những mâu thuẫn riêng, mà càng xem lại càng thấy rõ ràng hơn.

Chang Bok là một con người sùng đạo, bất chấp công việc có phần tàn ác của mình. Có lẽ, Chang Bok đúng là muốn làm người tốt thật, nên bình thường nói chuyện với ai cũng giữ lịch sự hết mực có thể, đầu luôn cúi thấp, hai tay khép nép cung kính; khi biết mình phải “xử lý” một đứa trẻ lại nằng nặc muốn từ chối, đối xử với em như người chú thân thiết.

Phải chăng là do ông không ý thức được tính tàn ác trong công việc của mình? Hay có lẽ nào, bởi cái nghèo, cái đói mà tự cho bản thân cái quyền làm chuyện xấu, với hy vọng những lời cầu khấn có thể xá tội cho mình?

Nếu những lời cầu nguyện có thể giúp gột rửa tội ác tày trời, phải chăng làm sai đến đâu cũng được tha thứ, miễn là mỗi ngày đều chăm chỉ cầu nguyện? Như vậy có phải khi dễ Chúa trời quá không?

Tôi vô cùng ấn tượng trước cách biên kịch viết về kết cục của Chang Bok. Không có cảnh rượt đuổi giữa kẻ xấu và người tốt như thông lệ, thậm chí vị trí nhân vật gần như ngược lại hoàn toàn: Spotlight không được đặt vào “người tốt” mà dành cho “kẻ xấu” Chang Bok, người đang gấp rút tháo chạy với vẻ kinh hãi như thể chính ông mới là nạn nhân thực sự. Ta thấy Chang Bok vừa chạy vừa không ngừng lặp đi lặp lại ba chữ “tôi xin lỗi” để rồi sảy chân ngã xuống trên chính con đường sai trái của mình.

Chang Bok chết không vì một ai khác, mà chính bản thân ông đã trượt chân, tự mình hại mình. Có cảm giác, cái chết này là điều không thể tránh khỏi; hay nói cách khác, đây hẳn là sự trừng phạt nghiêm khắc của Chúa trời dành cho người con sùng đạo của mình, không cách nào tránh khỏi.

Tae In, trái với một Chang Bok từng trải, khéo ăn nói, là một chàng ngốc yêu ghét rõ ràng. Nếu ta có thể dễ dàng đánh giá con người Chang Bok qua cả cử chỉ lẫn cách nói chuyện thì để hiểu nhân vật Tae In lại chỉ có thể nhìn biểu cảm trên gương mặt cậu để phỏng đoán.

Tôi không rõ ý đồ của biên kịch khi “cướp đi” giọng nói của cậu là gì, nhưng đôi mắt như chứa đựng cả bầu trời cảm xúc của Tae In đã khiến tôi hiểu ra rằng đôi khi chỉ cần một ánh nhìn cũng đủ để ta nhìn thấu tâm can một người.

Tae In là một nhân vật rất đỗi gần gũi, đời thường bất chấp vẻ dữ dằn, đô con dọa người của mình. Cậu ghét gì là thể hiện mười mươi trên mặt, những lúc cậu giận dữ chẳng hiểu sao lại cũng có cả nét đáng yêu trong đó, tựa hồ một cậu bé kháu khỉnh. Mà quả thực, Tae In không ngừng khiến tôi liên tưởng đến một đứa trẻ. Bất chấp việc phải lăn lộn làm việc phi pháp, bất chấp ngoại hình quá khổ cùng gương mặt như đã kinh qua bao sương gió cuộc đời, cậu dường như là người có suy nghĩ rất thuần phác và có lẽ cũng do cậu phần nào bị cái hướng thiện của Chang Bok ảnh hưởng.

Sự lay động của Tae In trước Cho Hee là một điều có thể thấy rõ được, bởi Cho Hee giống như một người mẹ, một người chị, một người mẹ với Tae In.

Nói Cho Hee là mẹ, là chị vì chỉ trong vài ngày ngắn ngủi, Cho Hee đã thành công hô biến căn phòng bừa bộn tăm tối của hai anh em Tae In trở thành một căn phòng “tạm ổn”, ngăn nắp gọn gàng, chỉ dạy cho em gái Tae In việc này việc nọ.

Nói Cho Hee là em gái, vì Cho Hee đã thân cận với Tae In tới độ cậu không dám nhìn vào cặp mắt chan chứa sự căm giận của em lúc đưa em đi bán hay cậu thanh niên vốn có vẻ bất cần lại sẵn sàng đánh đổi mạng sống để bảo vệ em.

Tae In tốt một cách thuần khiết, ánh mắt đưa nhanh đượm buồn của cậu mỗi khi nghe những lời trưởng thành trước tuổi của Cho Hee khiến tôi không khỏi xao động. Càng xem tôi lại càng mong cậu có thể cải tà quy chính, mong rằng cậu sẽ có một kết thúc hạnh phúc, bởi cái nét hồn nhiên toát ra từ đôi mắt cậu cứ gợi cảm giác như thể cậu chỉ là một đứa trẻ lầm lỡ, khiến tôi muốn cứu vớt và bảo vệ.

Mặc cho sự yêu thích và mong muốn mạnh mẽ có thể bảo vệ Tae In, Cho Hee mới là nhân vật tôi đánh giá cao nhất phim. Tương tự như Tae In, mỗi khi nghe cô bé “vô tình” nói ra sự thật rành rành rằng mình đang bị bắt cóc, tôi lại có cảm giác vô cùng phức tạp, vừa thấy thương, thấy nể cũng vừa thấy kinh hãi.

Em khiến tôi tự hỏi rốt cuộc gia đình em như thế nào, hoàn cảnh ra sao mà lại có thể thản nhiên đến khiếp sợ như vậy, tuổi còn nhỏ mà khôn ngoan hơn khối người. Cho Hee thật sự quá thông minh, hiểu rõ những người trước mặt là người xấu cũng biết giữ bình tĩnh, ngoan ngoãn nghe lời lấy lòng họ. Không lẽ Cho Hee cũng luôn phải tỏ ra lễ phép ngoan ngoãn để lấy lòng người nhà của em nên mới dễ dàng “mua chuộc” Tae In và Chang Bok như vậy?

Nói em ngoan ngoãn nghe lời không có nghĩa là kêu em yếu đuối; ngược lại, trong mắt tôi, Cho Hee là một cô bé rất mạnh mẽ. Phải can đảm lắm mới có thể giữ bình tĩnh trong tình huống như vậy và cũng phải đủ bản lĩnh mới có thể “cả gan” làm xáo trộn cuộc sống của hai anh em Tae In. Trong khi Tae In là một nhân vật rất dễ hiểu, Cho Hee lại khiến tôi băn khoăn không ít lần, rốt cuộc là em giả ngơ hay ngơ thật, có phải em đã mắc chứng Stockholm và thấu hiểu, đồng cảm với cả những kẻ đã bắt cóc em hay không…

Rung chuyển cả đất trời

// Đánh giá kết cục //

Trái với những người xem phim khác, kết thúc của bộ phim không khiến tôi bất ngờ hay hụt hẫng, thậm chí phần nào có thể đoán trước. Giây phút Cho Hee thì thầm vào tai cô giáo rằng người đang nhìn em bằng ánh mắt trìu mến kia là người đã đưa em đi, tôi chỉ thở dài, à thì ra hiện thực vẫn cứ là tàn nhẫn như thế. Dẫu Tae In đã giải cứu và đưa em về bên gia đình, dẫu quãng thời gian ở bên bọn “bắt cóc” không quá tệ thì Tae In và Chang Bok cũng đã phạm pháp, và sai chính là sai. Họ cần phải trả giá cho lỗi lầm của mình, trả giá rồi thì lỗi lầm mới có cơ hội được gỡ bỏ.

Song, tôi muốn tin rằng Cho Hee vì muốn tốt cho Tae In nên mới làm như vậy, dù phần trăm đáng tin có ít ỏi đến thế nào đi chăng nữa. Phân đoạn Cho Hee “tiếp tay” Tae In giết người tôi không thấy ghê rợn như bao người khác mà chỉ cảm thấy hành động của em như cho cậu một cái tát cảnh tỉnh gián tiếp cực mạnh, giúp cậu nhận ra mình đang lầm đường lạc lối ra sao.

Tôi cũng cảm thấy hơi bất công cho nhân vật Cho Hee khi mọi spotlight đều dành cho Tae In, vì đại đa số khán giả thường có xu hướng hiểu cho nhân vật phản diện có hoàn cảnh đáng thương hơn là một người bình thường. Em không có background dạng như “quá khứ đau thương” hay “bi kịch gia đình” hỗ trợ, nên sự ẩn nhẫn của em dễ khiến người ta thấy dè chừng hơn là muốn khen ngợi. Nhưng với tôi, Cho Hee chỉ đơn thuần là một cô bé, một cô bé mạnh mẽ hơn ai hết khi sẵn sàng ném hiện thực vào những kẻ mộng mơ và là một chiến binh sẵn sàng giương kiếm với những người muốn hãm hại em.

Khiến lòng người rúng động

// Một số chi tiết tôi yêu thích trong phim //

Voice of Silence cũng có nhiều chi tiết nhỏ vô cùng tinh tế. Có thể kể đến tình tiết bà lão thường ngày vì nhận được trứng của Chang Bok và Tae In mà đặt trọn niềm tin vào cậu, lúc cô bé nhờ giải cứu thì bà lại đứng về phía cậu, cho rằng cô bé chỉ đơn giản là một cô em gái không biết nghe lời anh trai của mình. Chi tiết này khiến tôi có kỳ vọng vào một tương lai tươi sáng, rằng nếu Tae In có thể thú tội và làm việc thiện, có lẽ cậu cũng có thể nhận được sự tín nhiệm của mọi người.

Tôi cũng đặc biệt thích chi tiết khi cảnh sát trưởng sẵn sàng ra tay cứu trợ Cho Hee lại bị em từ chối, quay đầu bỏ chạy vì bộ dạng nhếch nhác của mình, cảnh tượng khiến tôi soi chiếu tới mối quan hệ của Tae In và Cho Hee. Tae In phần nào cũng giống vị cảnh sát trưởng, trông có vẻ tiềm tàng nguy hiểm nhưng bên trong lại toàn thiện ý. Song giữa cái hiện thực mà không ai có thể tin ai như xã hội ngày này, và ngoại hình lại là yếu tố dễ đánh giá nhất, dễ hiểu là người ta sẽ chỉ nhìn vào yếu tố bên ngoài mà phán xét người khác.

Chi tiết cái vỗ tay ám chỉ “tôi ở đây” xuất hiện hai lần, lần nào cũng thật đặc biệt. Lần một là do Tae In thực hiện khi Cho Hee cần xử lý chuyện “cá nhân”, bởi không thể nói chuyện nên cậu vỗ tay với mục đích giúp em yên tâm rằng mình vẫn luôn ở đây. Lần hai là khi cậu chôn người trong sự hoảng loạn đến tột cùng, cảm giác tội lỗi hẳn phải lấp đầy trong cậu. Cho Hee dường như hiểu hết, chỉ đứng bên ngoài chậm rãi vỗ tay, như trấn an cậu rằng cô vẫn ở đó, sẽ không đi đâu cả. Tiếng vỗ tay mà nghe như tiếng vỗ vai an ủi, khiến tâm trạng rối bời của khán giả là tôi đây dịu lại đáng kể.

Thanh âm vang mãi

// Ý nghĩa tên phim //

Tôi phải ngẫm nghĩ rất lâu mới có thể nghĩ đến ý đồ của biên kịch đằng sau cái tên Voice of Silence. Có lẽ là vì trong thân tâm tôi đã rất kỳ vọng Tae In sẽ có thể nói gì đó như một phép màu ở cuối phim vậy mà đến tận giây phút cuối cùng, cậu cũng không hé đến nửa lời.

Phải chăng, giọng nói ở đây ám chỉ hành động của cậu, khi cậu quyết định đưa Cho Hee về với nơi em vốn thuộc về? Như cuộn băng cầu nguyện của Chang Bok nói “khi đứa trẻ ngoan ngoãn nghe theo, người câm bắt đầu nói chuyện”, phải chăng chính Cho Hee đã cảm hóa tâm hồn Tae In, khiến cậu hồi tâm chuyển ý?

Phải chăng giống như câu quote thường xuất hiện trên các trang mạng xã hội, rằng yên lặng nhiều khi cũng là một cách đáp, rằng đôi khi chẳng cần dùng tới lời hay ý đẹp như Chang Bok mà chỉ cần đôi ba ánh mắt chan chứa cảm xúc như của Tae In cũng đủ để ta hiểu được tình cảm của một người?

Dù là gì đi chăng nữa, Voice of Silence cũng khiến tôi lặng người khi xem xong. Bộ phim không quá đậm màu sắc bi thương khiến người xem rơi lệ nhưng lại khéo léo khiến trái tim khán giả quặn lại bởi những chi tiết đầy sâu sắc. Tôi ấn tượng nhất cảnh Tae In bàng hoàng nhìn đôi chân rớm máu của em rồi đau lòng tới mức chấn động, không muốn đi tiếp, như thể không nỡ đối diện với hiện thực. Cho Hee chỉ kiên quyết kéo cậu đi, em chẳng nói gì nhiều nhưng mạnh mẽ kéo cậu đi, vừa như giận dữ lại vừa như tủi hờn. Tiếng nhạc khắc khoải khiến tiết tấu phim trùng xuống… [Kết thúc spoil]

Tổng Kết

Đánh giá Chi Tiết

// Dành cho những người thích đọc //

Nếu không nhầm thì Voice of Silence là bộ phim indie kinh phí thấp, thậm chí còn là phim đầu tay của một nữ đạo diễn trẻ. Ấy vậy mà phim lại được đạo diễn rất tốt, bên cạnh kịch bản sâu sắc là những thước phim đẹp đến nao lòng, những cảnh nắng vàng rọi xuống đầy ấm áp hay hoàng hôn mỹ lệ đậm ánh hồng khiến bộ phim như tràn đầy màu sắc, căng tràn sức sống. Tiếng piano du dương cũng được khéo léo sử dụng, khiến Voice of Silence sống động hơn bao giờ hết.

[Cảnh báo spoil] Để ý thấy, những chi tiết mới lạ mà ấm áp này chỉ xuất hiện khi Cho Hee đã ở nhà Tae In một thời gian, trái ngược hẳn sắc xanh lạnh lẽo đầu phim. Cảm giác như chính em đã đem đến màu sắc mới, thanh âm mới cho cuộc đời hai anh em Tae In. Bức tranh cuộc sống bỗng như có ý nghĩa, chan chứa những hình ảnh, chi tiết tuy ít ỏi nhưng khắc khoải. Cảnh hoàng hôn rọi xuống khi gia đình “không tưởng” của Tae In vui vẻ nô đùa bên nhau như thể hiện rõ hơn hết concept này, từng ánh nắng chiếu xuống thực rực rỡ, thực ấm áp, khiến người xem như muốn níu vớt lại chút ánh vàng ấy, lưu luyến không nỡ rời xa. [Kết thúc spoil]

Voice of Silence là một slow jam khác của Yoo Ah In, và cũng là một trong những tác phẩm vô cùng đáng xem của anh. Cá nhân tôi cho rằng, để đóng “hỉ nộ ái ố” không khó, cái khó là làm sao mà từ những cảm xúc chung chung ấy mà bộc lộ được tính cách, lý tưởng riêng của nhân vật mình thể hiện. Và Yoo Ah In, quả nhiên đã thành công chứng tỏ bản thân là diễn viên tài năng đến đâu khi từng nhân vật anh đóng, dù có chung hoàn cảnh, chung cảm xúc nhưng cốt cách, tính nết lại vẫn toát ra nét riêng biệt, mỗi nhân vật mỗi khác. Thật khó để có thể truyền tải hết sự nể phục của tôi với diễn xuất của Yoo Ah In tới mọi người. Chính vì vậy, cách tốt nhất vẫn là tự mình trực tiếp kiểm nghiệm,. Tôi chân thành khuyên các bạn hãy xem thử cả hai bộ BurningVoice of Silence hay cả bộ kinh điển đã đem đến cho ảnh giải Ảnh đế đầu tiên trong sự nghiệp – The Throne để thấy được sự đa dạng và không ngại đổi mới của chàng diễn viên tài hoa luôn tràn trề tinh thần cống hiến này. Có thể nói, giải thưởng Ảnh đế của Yoo Ah In cho vai diễn lần này là cực kỳ xứng đáng, trọn vẹn xứng đáng.

Đánh giá chung

// Dành cho những người lười đọc giống tôi //

Chốt lại, Voice of Silence là một hidden gem mà càng xem càng khám phá được vẻ đẹp tiềm ẩn của nó. Để cảm nhận được hết vẻ đẹp của bộ phim đòi hỏi một sự kiên nhẫn không hề nhỏ đến từ khán giả, song tôi dám chắc những ai chịu xem đến cuối sẽ phải thừa nhận rằng họ đã bị những giây phút ấm áp của Voice of Silence thu phục và cũng mong một Happy Ending, một kết thúc tốt đẹp đang đón chờ Tae In ở phía trước như tôi.

Thật hy vọng các bạn xem Voice of Silence có thể đúc kết kiến thức và tự nhìn nhận lại bản thân để không rơi vào bước đường lầm lỡ như hai “kẻ phản diện” Tae In và Chang Bok, luôn lý trí trước mọi tình huống như cô bé Cho Hee. Có sai sót cũng không sao cả, miễn là ta biết kịp thời sửa chữa. Hoặc không thì, tôi mong mọi người, nếu có lầm đường lạc lỗi cũng sẽ gặp được một “vị cứu tinh”, người nào đó giúp bạn cảnh tỉnh và phá vỡ “bức tường câm lặng” của chính mình.

Người viếtYoongie Phạm

Nguồn ảnh: Internet

8 bình luận về “Góc Review • Voice of Silence • Thanh âm của thinh lặng (2020) – Đánh thức cả lòng người

  1. Đoạn cô bé cúi chào là lúc gặp bố mẹ mà. Ban đầu, khi vừa nhìn thấy thì cô bé vui mừng, nhưng điều gì đó khiến cô bé k bộc lộ cảm xúc vui mừng nữa, mà chuyển thành cúi chào cung kính. Điều này khiến mình càng suy nghĩ về gia đình cô bé.

    Đã thích bởi 1 người

  2. Oh đúng nhỉ mình nhớ nhầm, cảm ơn bạn đã nhắc nhé ^^ Và mình cũng nghĩ giống bạn, cảm giác cô bé không thật sự vui mừng khi thấy gia đình mình

    Thích

Bình luận về bài viết này